ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
(1911-2013)
I. GIỚI THIỆU CHUNG
Võ Nguyên Giáp (sinh 25/08/1911- mất 04/10/2013), tên khác: Anh Văn - Tướng Giáp. Ông là một nhà chỉ huy quân sự - chính trị gia Việt Nam; Đại tướng đầu tiên - Anh Cả quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, ông thành lập Đội tuyên truyền giải phòng quân - tiền thân QĐND Việt Nam sau này; Ông cũng được coi là công thần thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một học trò xuất sắc và gần gũi với chủ tịch Hồ Chí Minh; Ông tham gia chỉ huy hai cuộc Kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), Kháng chiến chống Mỹ (1960 - 1975) với nhiều chiến dịch lớn như: Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 và giành thắng lợi hoàn toàn.
Xuất thân trong gia đình Nho giáo, mẫu mực, một thầy giáo dạy sử, ông trở thành người được đánh giá là một nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc - một vị tướng tài trong lịch sử thế giới, được nhiều tờ báo ca ngợi là anh hùng dân tộc, cả đối thủ của ông (tướng lĩnh quân đội Pháp - Mỹ) vô cùng tôn trọng, kính nể.
II. THÂN THẾ
Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 mất ngày 04 tháng 10 năm 2013 tại láng An Xá - Lộc Thủy - Lệ Thủy - Quảng Bình trong một gia đình Nho Giáo có truyền thống yêu nước, mẫu mực. Cha ông Võ Quang Nghiêm - một nhà nho mẫu mực, mẹ ông - bà Trần Thị Kiên
Về họ ngoại, ông ngoại Võ Nguyên Giáp là một nhà yêu nước, tham gia phong trào Văn Thân - Cần Vương, sau bị giặc Pháp bắt tra tấn dã man, nhưng với lòng trung thành ông đã một mực không khai một lời;
Về Họ nôi, là một dòng họ lớn và có tiếng tăm tại làng An Xá. Ông nội Võ Nguyên Giáp từng tham gia phò tá vua Hàm Nghi, tham gia phong trào Cần Vương; Cha ông Võ Quang Nghiêm là nho sinh thi cử bất thành trở về quê làm thầy thuốc và nhà nho. Sau này ông bị giặc pháp bắt giam tại Huế, mất trong tù.
Ông Võ Nguyên Giáp có 7 anh chị em, người anh cả và chị cả mất sớm, còn lại 3 người con gái và 2 người con trai Võ Nguyên Giáp và Võ Thuần Nho.
III. THỜI NIÊN THIẾU
Gia đình phụ thân Võ Nguyên Giáp thuộc diện nghèo trong làng An Xá, phải vay mượn nặng lãi của các nhà giàu trong làng, ông từng theo mẹ chèo thuyền chở thóc đi trả nợ; Ông thường được mẹ kể chuyện về tướng Tôn Thất Thuyết phò tá vua Hàm Nghi khởi nghĩa phong trào Cần Vương chống giặc Pháp xâm lược; Những bài học cha dạy sử quan bài vè "Thất thủ kinh đô" đã sớm gieo mầm và nuôi dưỡng ý chí cho sự nghiệp cách mạng sau này của ông.
Sinh ra trong một gia đình Nho giáo nên ông được cha mẹ dạy dỗ rất chuẩn mực, nghiêm khắc, nề nếp gia phong theo đạo Khổng. Điều đó đã tạo nên cậu bé Võ Nguyên Giáp luôn biết kính trên nhường dưới, khiêm nhường, hiếu với cha mẹ, tổ tiên, đạo với xã hội và đất nước.
Học xong lớp 3, Võ Nguyên Giáp xuống thị xã Đồng Hới - Quảng Bình học tiếp, cách quê 20km. Ở đây, Võ Nguyên Giáp ở trọ nhà bạn cụ Nghiêm (cha ông), rất được gia chủ quý mến, cậu được học cùng nhà sư phạm nổi tiếng, thầy giáo Đào Duy Anh. Võ Nguyên Giáp học rất giỏi, tại kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học, cậu đứng đầu toàn tỉnh; Việc học được như vậy không hề dễ dàng, hồi đó thực dân Pháp mở rất ít trường học, nhằm duy trì nạn mù chữ để dễ dàng cai trị.
Năm 1925, Võ Nguyên Giáp rời trường tiểu học Đồng Hới, vào Huế thi trường Quốc học Huế. Tại Huế, cậu Giáp có vài lần tới thăm nhà tư tưởng Phan Bội Châu.
Năm 1927, học trò Giáp bị đuổi học sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa; Sau đó, cậu Giáp tham gia Tân Việt Cách Mạng Đảng mang màu sắc cộng sản, và làm việc tại Nhà Xuất bản do nhà giáo Đào Duy Anh sáng lập, tham gia viết bài Báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng; Bắt đầu hoạt động báo chí.
IV. THỜI THANH NIÊN
Sau khi bị đuổi học do tổ chức bãi khóa tại trường Quốc học Huế, Võ Nguyên Giáp về quê ở làng An Xá. Nguyễn Chí Điểu bất ngờ mang hai tập tài liệu tìm gặp Giáp: " Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới" và Văn kiện cuộc họp Việt Nam Thanh Niên đồng chí Hội, trong đó có hai bài phát biểu của Nguyễn Ái Quốc, đã khiến cậu Giáp xúc động; Đây là sợi dây đầu tiên nối liền sự nghiệp Võ Nguyên Giáp với Nguyễn Ái Quốc và cách mạng Việt Nam.
Năm 1930, Võ Nguyên Giáp bị bắt sau sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh cùng người yêu bà Nguyễn Thị Quang Thái, hai người có một người con là Võ Hồng Anh. Chị Thái hẹn khi con cứng cáp sẽ thoát ly đi hoạt động cách mạng; Tuy nhiên, sau đó bị bắt và bị mất trong tù do giặc Pháp tra tấn.
Năm 1939, Võ Nguyên Giáp dạy môn sử trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội do Hoàng Minh Giáp làm giám đốc nhà trường. Ở đây, thầy Giáp được học sinh biết tới là một người thầy dạy sử giỏi, luôn bảo vệ sự trung thực lịch sử.
V. SỰ NGHIỆP QUÂN SỰ
Tháng 5 năm 1940 Võ Nguyên Giáp cùng Phạm Văn Đông vượt biên sang Trung Quốc gặp Hồ Chí Minh. Sau khi tiếp xúc, cụ Hồ đã thấy tài năng quân sự tiềm ẩn trong con người Võ Nguyên Giáp nên đã liên hệ Đảng Cộng sản Trung Quốc cử anh đi học tại căn cứ quân sự Diêm An. Tuy nhiên đang trên đường tới Diêm An, Hồ Chí Minh đã gọi anh quay lại do tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, cần quay về nước sớm chuẩn bị đón thời cơ. Ông gia nhập Đảng cộng sản Đông Dương.
Đúng dịp tết nguyên đán năm 1941 ông và Hồ Chí Minh về đến Cao Bằng. Trong thời gian ở hang Pác Bó, cuộc sống vô cùng cực khổ, nhưng với tiên lượng chính xác của Hồ Chí Minh rằng: "Năm 1945 Cách Mạng sẽ thành công" đã tiếp thêm ý chí cho Võ Nguyên Giáp với lý tưởng luôn lấy dân làm gốc, có dân là có tất cả. Thời gian này ông mở lớp tập huấn quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng.
Ngày 22-4-1944 theo hướng dẫn Hồ Chí Minh, ông thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với 34 người - là nòng cốt và tiền thân QĐND Việt Nam sau này. Ngày 25-12-1944 Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội quân tiêu diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần.
Tháng 8/1945 Cách mạng thành công, Võ Nguyên Giáp tham gia thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được cử làm bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Kháng chiến chống Pháp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng đặc biệt không chỉ với Việt Nam mà cả toàn thế giới; Một vị tướng không qua bất kỳ trường lớp đào tạo quân sự nào, cũng không phải trải qua các quân hàm trong quân đội. Ông được phong hàm đại tướng vào ngày 28/05/1948 theo sắc lệnh số 110 -SL do Hồ Chí Minh ký ngày 20/01/1948; Ông trở thành đại tướng đầu tiên QĐND Việt Nam khi mới 37 tuổi. Lý do Võ Nguyên Giáp được phong tướng, Hồ Chủ Tịch trả lời phóng viên nước ngoài: "Đánh thắng Đại tá phong Đại tá, đánh thắng Thiếu tướng phong thiếu tướng, đánh thắng Trung tướng phong Trung tướng, đánh thắng Đại tướng phong Đại tướng".
Học thuyết quân sự của Tướng Giáp cũng rất đặc biệt: Lấy ít địch nhiều, lấy thô sơ thắng hiện đại, lấy yếu chế mạnh - Xây dựng lối đánh du kích, chiến tranh nhân dân làm nền tảng. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến, chống thực dân Pháp quay lại (1946 -1954), đường lối tư duy chỉ huy Quân sự của ông đã chứng minh sự đúng đắn.
Năm 1954, Đảng Lao động và Hồ Chủ Tịch đã tin tưởng trao toàn quyền Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi lên đường lên Tây Bắc, Bác đã dặn dò Đại tướng: "Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng, không được thua, vì thua là hết vốn". Tướng Giáp tự tin lên kế hoạch đưa 4 trong 6 sư đoàn bộ binh: 304, 308, 312, 316 lên đường đi Tây Bắc, tấn công Điện Biên Phủ. Tại đây ông đã có những quyết định quan trọng về chiến lược, chiến thuật cho chiến dịch: Từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "Đánh chắc tiến chắc"; Bằng trí tuệ và chính nghĩa, Đại tướng cùng quân và nhân dân đã đánh bại đội quân nhà nghề được trang bị hiện đại của thực dân Pháp. Vừa đặt dấu chấm hết cho quyền lực Pháp ở Đông Dương, vừa thổi một luồng gió mới vào các dân tộc thuộc địa ở Châu Phi, vùng lên hạ quyết tâm giải phóng cho dân tộc mình.
Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc khi hiệp định Geneve về Đông Dương được kí kết. Tuy nhiên, Việt Nam chưa thể thống nhất, mà cần một cuộc tổng tuyển cử toàn quốc.
Kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975)
Từ nằm 1954 -1976: Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị Ủy Viên Bộ chính trị, Bí Thư Quân Ủy TƯ, Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam, Bộ Trưởng Bộ quốc phòng.
Trong giai đoạn này, các nhà phân tích phương Tây cho rằng giữa Tướng Giáp và nhà lãnh đạo mới Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam có nhiều mâu thuẫn về đường lối đấu tranh cách mạng, chính trị - quân sự ở miền Nam VN. Tướng Giáp và Hồ Chí Minh chủ trương đấu tranh bằng chính trị, ngoại giao, tránh va chạm quân sự; Tuy nhiên, Lê Duẩn một nhà lãnh đạo trực tiếp cách mạng đấu tranh Miền Nam VN đã chứng kiến những cuộc đàn áp dã man chính quyền Ngô Đình Diệm đã kiên quyết con đường võ trang - quân sự để giải phóng đất nước. Theo các nhà sử học phương Tây suy đoán, quan hệ giữa Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn chia làm 3 giai đoạn:
- Từ năm 1954 - 1964, cả Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn đều thống nhất với nhau quan điểm, đường lối quân sự;
- Từ năm 1965 - 1971, Lê Duẩn cho rằng đấu tranh của Võ Nguyên Giáp với Đế quốc Mỹ chưa đủ kiên quyết, giữa hai người có xảy ra mâu thuẫn;
- Từ năm 1972 - 1975, Lê Duẩn trao quyền chỉ huy quân sự cho Võ Nguyên Giáp.
Theo Pierre Asselin: thời gian cuộc chiến chống Mỹ tại miền Nam Việt Nam nổ ra vào năm 1964, Võ Nguyên Giáp trở thành "một khuôn mặt của các nỗ lực chiến tranh chống Mỹ, một công cụ "tiếp thị" cho một nhóm trong Đảng, những người thiếu danh tiếng, uy tín và tính hấp dẫn trên trường quốc tế". Và sự kiện tết Mậu Thân 1968 là do Lê Duẩn trực tiếp chỉ đạo, không có nhiều vai trò của Tướng Giáp.
Tuy nhiên theo quan điểm các nhà sử gia và các nhà chính trị Việt Nam cho rằng, giữa Lê Duẩn và Tướng Giáp không có các tranh cãi, không có chia rẽ e-kip như phương Tây tuyên truyền; Theo đó, tướng Giáp theo phái "chủ hòa".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng viết trong hồi ký cho biết quan hệ giữa ông và Lê Duẩn rất tốt, giữa hai người không hề có bất đồng gì lớn:
"Với tôi, những năm công tác trong Bộ Chính trị, Anh (tức Lê Duẩn) đã thường xuyên trao đổi ý kiến, thường là nhanh chóng đi đến nhất trí trong những vấn đề lớn; khi có ý kiến khác nhau thì tranh luận thẳng thắn, những điều chưa nhất trí thì chờ thực tiễn kiểm nghiệm. Lúc mới ra Bắc, Anh thường tâm sự với tôi những khó khăn trong công việc... Từ sau Đại hội III và Đại hội IV, tôi đã ba lần đề nghị Anh (Lê Duẩn) là Tổng Bí thư kiêm luôn Bí thư Quân ủy Trung ương, nhưng Anh nói với tôi: "Anh (tướng Giáp) là Tổng chỉ huy lâu năm nên tiếp tục làm Bí thư Quân ủy Trung ương, như vậy có lợi cho lãnh đạo"
Cuộc chiến tranh Tây Nam - Phản vệ bảo vệ chủ quyền, nghĩa vụ quốc tế.
Cuộc chiến tranh với Khơ me đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn xảy ra ngay sau khi đất nước thống nhất. Một cuộc chiếm đóng Campuchia trong thời gian dài suốt 10 năm từ 1979 - 1990, cùng với chiến tranh phía bắc với Trung Quốc. Thời gian này, Tướng Giáp giữ chức Phó Thủ tướng chính phủ, kiêm Bộ trưởng Quốc phòng.
VI. GIAI ĐOẠN LÀM PHÓ THỦ TƯỚNG VÀ PHỤ TRÁCH CÔNG TÁC DÂN DỰ
Năm 1980, tướng Giáp thôi giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, vẫn tiếp tục Ủy viên Bộ chính trị (đến năm 1982), Phó thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật. Ông Văn Tiến Dũng là người kế nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng
Những năm cuối thập niên 1970, Việt Nam đứng trước nguy cơ bùng nổ dân số do tư tưởng đẻ nhiều để bù đắp người thiếu hụt do chiến tranh, cùng với bộ đội xuất ngũ trở về lập gia đình và sinh đẻ. Đây được coi là vấn đề nghiêm trọng lúc bấy giờ. Năm 1984, chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch nhằm kiểm soát mức sinh ở Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được phân công phụ trách chủ tịch Ủy ban trên.
Theo văn hóa Việt Nam khi đó, chuyện sinh đẻ của phụ nữ là tế nhị, đàn ông tham gia vào được coi là mất thể diện, hơn nữa một đại tướng quân đội chuyển sang phụ trách vấn đề sinh đẻ lại càng khiến dư luận khi sôi sục bàn tán; Cho rằng Lê Duẩn trù dập Tướng Giáp nên mới điều chuyển phân công như vậy để hạ thấp uy tín của Ông. Tuy nhiên, mọi suy đoán đó đều không có cơ sở và không đúng thực tế. Dư luận khi ấy chỉ nhắc đến Tướng Giáp mà bỏ qua một loạt các thành viên quan trọng khác như 01 Phó Thủ tướng, 10 Bộ trưởng, lãnh đạo các ban ngành cũng tham gia ủy ban này. Ngoài ra, không chỉ Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà cả 2 Thủ tướng khác của Việt Nam là Phạm Văn Đồng và Võ Văn Kiệt cũng từng phụ trách công tác sinh đẻ kế hoạch này (Phạm Văn Đồng phụ trách giai đoạn 1961-1975, Võ Văn Kiệt phụ trách giai đoạn 1987-1991), cho thấy tầm quan trọng của công tác này khi đó.
Nhà sử học Dương Trung Quốc từng mạnh dạn hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về vấn đề ông từng phụ trách ủy ban sinh đẻ kế hoạch. Đáp lại thắc mắc của ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nở nụ cười và nói rất đơn giản:“Kế hoạch hóa gia đình cũng như vấn đề dân số là rất quan trọng với toàn thế giới chứ không riêng mình. Nhiều nước Thủ tướng phụ trách việc này. Hồi đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng bận nhiều việc nên vừa là phân công vừa là nhờ cậy tôi đảm nhận. Mà đã là nhiệm vụ thì nhiệm vụ nào cũng phải vượt qua như truyền thống của bộ đội cụ Hồ”
VII. NGHỈ HƯU
Năm 1991, ông thôi giữ chức Ủy Viên TW, Phó thủ tướng, nghỉ hưu ở tuổi 80. Tuy về nghỉ hưu, nhưng ông vẫn quan tâm theo dõi tình hình đất nước và có nhiều bài báo, thư kiến nghị gửi các lãnh đạo kế nhiệm: Vào ngày 1 tháng 11 năm 2007 ông gửi thư trong đó bày tỏ sự phản đối chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội ở khu di tích 18 Hoàng Diệu; Vào đầu năm 2009, ông góp ý về Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, ông đã viết 3 bức thư đề nghị thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem xét lại cẩn thận dự án này vì lý do an ninh quốc gia và vấn đề môi trường.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời vào hồi 18h09 phút ngày 4 tháng 10 năm 2013, tại Viện quân y 108, Hà Nội, nơi ông tới điều trị từ năm 2009, hưởng thọ 103 tuổi (tuổi âm) và là Đại tướng Việt Nam sống thọ nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước tới nay.
Văn phòng Ban chấp hành Trung ương Đảng thông báo tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 12 và 13 tháng 10 năm 2013. Ông được an táng tại quê hương Quảng Bình, theo ý nguyện của ông và gia đình. Địa điểm an táng là khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình, nằm cách đèo Ngang khoảng 4 km.Tại nơi ông an táng được xây dựng thành một quần thể kiến trúc để phục vụ người dân tới viếng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét