Ẩm thực Cà Mau mang hương sắc đậm đà của biển và rừng, điều đó đã được in dấu rõ nét trong văn hóa ẩm thực. Người dân nơi đây đã tận dụng nguồn lợi có sẵn từ thiên nhiên để làm nguồn thực phẩm chính, đồng thời qua nhiều cách chế biến phù hợp đã tạo nên hương vị những món ăn quê hương đặc sắc, nổi tiếng gần xa.
1. Ba khía Rạch Gốc
Ba khía Cà Mau đặc biệt là ba khía vùng Rạch Gốc là món đặc sản vừa lạ vừa ngon nổi tiếng từ xưa đến nay. Chỉ có ở vùng này ba khía mới thật sự ngon và hấp dẫn. Mùa cao điểm nhất của ba khía là vào khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch hằng năm. Ba khía Rạch Gốc ăn quả mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các nơi khác. Cách làm món ba khía như sau: Ba khía rửa sạch, cho vào khạp hoặc vật dụng dùng để muối, rắc muối đều sao cho vừa với lượng ba khía chế biến để khi thấm ba khía không quá mặn cũng không quá nhạt (Nếu mặn quá thì thịt sẽ xăng lại mà nhạt thì thịt mau bủng, mất ngon). Đậy nắp lại đợi khoảng 5 đến 7 ngày đêm là có thể ăn được.
Ngoài ra, người dân Cà Mau còn chế biến ba khía bằng cách luộc sả và ăn cùng với nước chấm. Loại nước chấm ăn ba khía luộc sả được làm như sau: sả băm nhuyễn, trộn chung với cơm mẻ, cho chút ớt vào tạo vị cay, nêm thêm gia vị cho vừa ăn. Ăn ba khía luộc sả với nước chấm này sẽ làm cho du khách cảm nhận được vị ngọt của thịt ba khía, hương thơm của sả và ớt cay, chút chua nồng của cơm mẻ. Nói tóm lại món ba khía luộc sả mà được ăn cùng với nước chấm này sẽ là một món ăn Quý khách khó lòng mà cưỡng lại. Nếu du lịch Cà Mau vào tháng 7, 8 âm lịch, nhớ tìm đường ghé về Rạch Gốc tìm thưởng thức món ba khía đặc sản Cà Mau nổi tiếng trong làng ẩm thực miền Nam.
2. Bồn bồn Cà Mau
Món bồn bồn dường như đã quá quen thuộc với con người miền Tây, hoặc một số du khách đến du lịch miền Tây. Thế nhưng, ở Cà Mau, món bồn bồn vẫn được xem là món ngon đặc sản dù nó có dân dã, quen thuộc đến nhường nào. Từ bồn bồn nguyên liệu, người ta đã biết cách chế biến ra nhiều món ăn ngon khác như bồn bồn trộn gỏi, bồn bồn xào tôm, dưa bồn bồn chấm cá kho tộ, và cũng có khi dùng bồn bồn để thay thế cho rau.
3. Cá lóc nướng trui
Nhắc đến món cá lóc nướng trui là người đọc, thực khách hoặc người nghe lại nghĩ ngay đến miền Tây Nam Bộ. Và ngược lại, sự nổi tiếng và phổ biến của món ăn này đến độ hễ nhắc đến ẩm thực Nam Bộ là nhiều người lại nghĩ ngay đến cá lóc nướng trui. Đây là món ăn ngon mà dân dã thường xuất hiện trong bữa cơm của người miền Tây, từ thời xa xưa cho đến bây giờ. Và lần này, nếu du khách có về miền Tây đến vùng đất Cà Mau thì hãy nhớ thưởng thức món cá lóc nướng trui Cà Mau để cảm nhận được hương vị thơm ngon, đậm đà và rất hấp dẫn.
Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém sẽ có nguyên 1 con cá lóc nướng thơm ngon. Sau đó chỉ cần gỡ thịt chấm muối ớt, phải là loại muối hột mới cảm nhận được hết mùi vị thơm ngon vừa cay vừa mặn vừa ngọt vừa thơm của món cá lóc nướng. Ở một số nơi khác vùng đồng bằng sông Cửu Long, cá lóc nướng trui thường ăn với nước mắm me, cuốn với bánh tráng, rau thơm các loại. Có thể nói món cá lóc nướng trui này bao đời nay đã làm say lòng thực khách. Vì thế, nếu về Cà Mau, hãy tự thưởng cho mình một bữa tiệc với cá lóc nướng trui, quý vị sẽ thấy mùi vị nó khác xa với nhiều loại cá lóc được nướng bằng vỉ, bằng điện trên thành phố.
4. Chả trứng mực đất Mũi
Trứng mực là món ăn có sức hấp dẫn và quyến rũ kỳ lạ đối với người dân ở vùng U Minh, đất Mũi Cà Mau. Món này có nguồn gốc xuất xứ từ ai và ở đâu thì chưa có tài liệu nhắc đến, chỉ thấy món ăn này là món đặc sản mà bất cứ ai ăn rồi cũng phải ghiền. Trứng mực chiên thành chả có màu vàng rộm như chả quế, đẹp mắt và có mùi thơm đặc trưng. Khi ăn, chả được cắt thành từng lát khoảng bằng ngón tay, dọn ra bàn cùng rau thơm và bánh tráng.
5. Cháo cá kèo Cà Mau
Cháo cá kèo là món ăn bình dân ở xứ Cà Mau. Cá kèo là một loài hải sản có nhiều chất dinh dưỡng và đặc biệt tăng cường sinh lực cho người ăn. Cá kèo thường sinh sống ở những miền nước lợ hoặc trong những vuông tôm của những vùng đất ngập mặn. Ở miền Tây, vào những ngày xổ tôm, người dân đã có thể thu hoạch cá kèo. Cá kèo là món ăn truyền thống của người dân Nam mà ngon nhất là món cháo cá kèo.
Chuẩn bị thêm nước mắm mặn, một chén gừng xắt nhỏ và một đĩa chanh ớt, tùy ý khách có thể cho thêm để hợp khẩu vị mình. Vậy là Quý khách đã có thể thưởng thức hương vị của nồi cháo cá kèo của vùng sông nước. Cháo cá kèo ngon hay không ở chỗ độ tươi của cá kèo và cách nên nếm của người nấu. Món cháo cá kèo thật tuyệt vời khi vừa ăn vừa thổi mới thấy hết vị ngon và hấp dẫn. Món cháo cá kèo ăn vào có tính giải nhiệt, người đang bị cảm sẽ bớt ngay. Cũng có thể đó là món ăn dễ tiêu hóa và rất đơn giản nhưng mang “âm hưởng” của vùng sông nước phương Nam nên được nhiều người ưa chuộng.
6. Đuông chà là Cà Mau
Đuông chà là là ấu trùng của một loại côn trùng có cánh gọi là kiến dương. Cây chà là sinh sống rất nhiều ở rừng ngập mặn, hình dáng giống như cây cau kiểng, mọc thành từng bụi, mỗi bụi có nhiều cây và gai sắc nhọn. Ở các rừng ngập mặn Cà Mau có rất nhiều chà là nên đuông chà là cũng được tìm thấy rất nhiều ở đây. Giống như đuông dừa, đuông tơ tằm… đuông chà là có hình dáng hơi lớn hơn 1 tí, cỡ bằng ngón tay cái và ngón chân cái với hình thù béo ú, no tròn, trắng nõn. Mỗi đọt chà là thường người ta chỉ thấy có một con đuông và được giải thích là do đọt chà là nhỏ, ít dinh dưỡng nên chỉ có một con đuông tồn tại hoặc là vì giống côn trùng này chỉ đẻ một con.
Món đuông chà là chiên bột hoặc đuông chà là tẩm nước mắm hay "đuông lội sông" luôn thu hút nhiều thực khách vì độ ngon của món ăn thì khó mà so sánh với các món ăn khác. Ăn đuông không nên ăn vội vã mà ăn từ từ, cắn từng con để tận hưởng hương vị "ngậm mà nghe". Dù món đuông chà là này đã làm “mê mẩn” không ít “anh hùng thực khách” nhưng cũng có khi nó làm cho các cô, các chị chưa quen với món ăn này phải “chết khiếp”. Thế mới thấy đâu phải ai cũng có thể tận hưởng được hương vị thơm ngon tuyệt đỉnh của món ăn độc đáo này ở vùng đất Cà Mau.
7. Gỏi nhộng ong
Về Cà Mau mà ở khu vực U Minh thì chắc chắn Quý khách sẽ nghe được món gỏi nhộng ong ngon được xếp vào “đệ nhất”. Nhộng ong U Minh nhiều và có vị bùi, béo ngậy, ngon không thể tả. Người thợ nhộng ong sau khi gác kèo lấy mật thường mang theo một hai phần sáp đầy nhộng ong về. Lấy tổ nhộng ong nhúng vào nước sôi, lọc lấy nhộng ong sạch, là có thể chế biến hàng chục món ăn ngon như cháo nhộng ong, nhộng ong xào, nhộng ong trộn gỏi… Trong đó, món nhộng ong trộn gỏi được nhiều người ưa thích vì có thể kết hợp vị ngon bùi của nhộng ong và vị thơm của các loại rau.
8. Các loại khô hải sản
Khô cá kèo là loại đặc sản chỉ riêng miệt Cà Mau vì xưa kia vùng đất Cà Mau là nơi sinh sống của loại cá này. Cá kèo để nguyên con, tẩm muối ớt rồi đem nướng hoặc chiên giòn, chấm mắm me là món nhậu khoái khẩu. Cá kèo còn dùng để nấu lẩu hoặc kho, chiên tùy sở thích của người ăn. Còn riêng món khô cá kèo thì ở Cà Mau hầu như người nội trợ nào cũng có thể làm được. Tuy nhiên để làm khô cá kèo ngon thì không phải dễ.
Khi nói về đặc sản Cà Mau, hẳn không quên nhắc đến tôm khô Rạch Gốc. Không chỉ có tiếng trong nước mà hiện nay tôm khô Rạch Gốc được biết đến ở các thị trường thế giới như Châu Âu hay các nước EU. Để có được sản phẩm mang hương vị đặc trưng của rừng, biển, người dân Cà Mau có những bí quyết riêng khi luộc tôm. Người ta tính bình quân cứ khoảng 7-8 kg tôm nguyên liệu sẽ chế biến được 1 kg tôm khô thành phẩm.
9. Lẩu mắm U Minh
Du lịch về vùng đất U Minh (Cà Mau), du khách nhớ đừng quên thưởng thức món lẩu mắm U Minh ngon không kém gì các loại lẩu trứ danh khác ở miệt miền Tây sông nước. Lẩu mắm là một trong những món ăn dân dã không thể thiếu của người dân Nam Bộ mà nguyên liệu chính để làm nên nồi lẩu mắm ngon đó là các loại mắm. Người Việt kho, chưng mắm theo cách làm của người Khmer, rồi lại biến tấu thành món lẩu ăn theo kiểu người Hoa. Lẩu mắm của người Việt thường ăn với rất nhiều nhiều loài cá và rau đồng chỉ có ở vùng đất U Minh.
Nguyên liệu chính của món lẩu mắm U Minh là mắm sặc (loại ngon). Mắm được lược kỹ xương, nêm nếm bột ngọt, đường cho vừa ăn rồi cho vào lẩu. Để cho dậy mùi người ta còn bổ sung thêm một ít lá sả băm mịn, phần gốc sả đập dập cho vào lẩu. Để cho nước lẩu có vị béo, thơm và sánh người ta cho vào một ít sữa bò thay đường. Lẩu mắm hợp với nhiều loại thịt hay cá tùy thích. Lẩu mắm vùng U Minh Cà Mau được ăn chung với các loại rau có ở miền Tây như bông súng, đọt nhãn lồng, ngò gai, ngò om, cải xanh, rau muống, rau ngổ, đậu rồng, kèo nèo, rau đắng, càng cua, bông so đũa, cà phổi, bắp chuối, ớt hiểm, tỏi… Riêng đọt choại, đây là một loại rau rừng chỉ có nhiều nhất ở rừng tràm U Minh.
Để cho nồi lẩu mắm ngon, người ăn có thể bỏ thêm đậu bắp, nấm rơm bỏ vào khi lẩu vừa sôi, với các loài cá đồng tươi vừa chín như lươn, cá rô, các sặc rằn, cá dầy, cá lóc… Lẩu mắm đã trở thành món ăn ngon nổi tiếng của vùng đất Cà Mau. Về công thức chung cách chế biến đều giống nhau, tuy nhiên mỗi nơi lại có sự khác biệt từ việc dùng loại cá hay rau nào có phổ biến ở địa phương. Và với lẩu mắm U Minh Cà Mau, Quý khách sẽ cảm nhận được dư vị đậm đà, hấp dẫn mà không lẫn vào bất kỳ loại lẩu mắm nào khác ở vùng mũi đất Cà Mau.
10. Vọp nướng chấm muối tiêu
Món ăn này có hương vị rất đặc biệt khiến cho những ai từng thưởng thức phải nhớ mãi. Cà Mau bây giờ rất hiếm vọp, vì nó trở thành món ăn quý hiếm. Để chế biến món ăn này người ta lựa loại vọp ta, rửa sạch, để ráo nước, cho vào đĩa. Chuẩn bị gia vị gồm muối tiêu chanh, bột ngọt, các loại rau cải. Lò than cháy đều, đặt lên bàn, để vỉ nướng lên trên. Đặt vọp lên vỉ, có thể nhiều con cùng một lúc. Lúc vọp há miệng là vừa chín tới, ăn rất ngọt. Tránh để vọp quá lâu sẽ chín quá, khô nước, thịt dai, nhạt nhẽo. Thực tế món ăn này bây giờ rất khó tìm ở vùng đất Cà Mau. Tuy nhiên, thỉnh thoảng người đi săn bắt vọp vẫn tìm đủ cho một bữa tiệc nhỏ nhỏ đãi khách. Thế mới thấy được vùng đất Cà Mau còn có biết bao món ngon vật là mà bản thân người viết còn chưa thể biết hết được.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét