Khu Nhà lớn của gia đình Công tử Bạc Liêu nằm bên bờ sông Bạc Liêu. Ảnh Internet.

Nếu đến Bạc Liêu thì ta phải nên ghé xem nhà Công tử Bạc Liêu tại TP. Bạc Liêu. Đây là một khu dinh thự nằm bên bờ sông Bạc Liêu, còn được người dân Bạc Liêu gọi là "Nhà lớn", do ông Trần Trinh Trạch thân phụ của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy xây dựng từ năm 1919. Khu nhà được xây cất với bản thiết kế của các kỹ sư Pháp và toàn bộ vật liệu nhập cảng từ Pháp, từ viên gạch lát đến từng cái bù lon con tán. Nội thất trong nhà từ đồ gỗ, đồng, sành, sứ thứ gì cũng thuộc loại thượng hạng.

Ảnh của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy và vợ là bà Ngô Thị Đen.

Tượng thờ của ông bà Hội đồng Trần Trinh Trạch và ảnh của vợ chồng Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.

Về từ ngữ Công tử Bạc Liêu có hai nguồn lý giải. Thứ nhất được hiểu là từ ngữ để chỉ chung cho giới đại điền chủ giàu có từ thời Pháp giỏi ăn chơi có nhiều ở miền Bạc Liêu Nam bộ khi xưa, đám này là con cái những bá hộ, đại điền chủ, sau được gộp chỉ chung những nhà giàu ở các tỉnh khác như Cần Thơ, Mỹ Tho... Cách hiểu thứ nhì được nhiều người biết là để chỉ riêng cho cậu Ba Huy, tức ông Trần Trinh Huy cũng còn gọi là Hắc Công Tử do ông có nước da ngăm đen, đối lại là Bạch Công Tử George Phước do có nước da trắng hơn ở Tiền Giang - Mỹ Tho là con một phú hộ giàu có, cũng thuộc loại ăn chơi nức tiếng. Cái tên Công tử Bạc Liêu được người đời gán cho cậu Ba Huy cũng bởi tài ăn chơi và cái ngông không ai sánh bằng của ông, như việc ông là người Việt đầu tiên sở hữu và tự lái máy bay riêng (trước đó vua Bảo Đại cũng đã có máy bay cá nhân, nhưng ông Bảo Đại là vua và tiền mua máy bay là của ngân khố quốc gia), hoặc giai thoại ông đốt tờ giấy bạc một trăm đồng trong chuyện chơi ngông cùng Bạch Công Tử.

Xe hơi và xe kéo của gia đình Công tử Bạc Liêu.

Ông là người con thứ hai của ông Hội đồng Trạch (Trần Trinh Trạch) và người vợ là con gái của Bá hộ Phan Văn Bì là cô Tư Phan Thị Mùi, cô tuổi Mùi nhưng khi khai sanh thày Chánh lục bộ ghi sổ bộ theo "đúng kiểu chánh tả Nam bộ" là Phan Thị Muồi, Ở miền Nam vào những năm đầu thế kỷ XX dân gian có truyền tụng câu: "Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch" (*), đây là bốn phú hộ lừng danh Nam kỳ lục tỉnh với ruộng đất cơ ngơi thẳng cánh cò bay. Còn Bá hộ Bì là cha vợ của Hội đồng Trạch mà người miền Bắc gọi là ông nhạc, là một người giàu có nhất Bạc Liêu thời Bá hộ Bì sanh tiền, được phong là vua lúa gạo.

Bàn ghế bằng gỗ quý khảm xà cừ.

Thực ra tên do cha mẹ đăt của Công tử Bạc Liêu là Trần Trinh Qui chứ không phải Trần Trinh Huy, bởi ông Hội đồng Trạch đã đặt tên cho các người con theo "thủy tộc". Bắt đầu từ tên ông là Trạch, người con đầu của ông là Đinh, rồi Qui, Thu, Đông... Qui là một trong tứ linh Long, Ly, Qui, Phụng nhưng tại sao Công tử Bạc Liêu lại chê cái tên do cha mẹ chọn này? Chẳng qua sau khi đi Tây du học về cậu Ba nhận thấy chữ Qui khi đi đôi với chữ... đầu là "Qui đầu" nghe không được lịch sự. Người Nam bộ khi nói chữ Qui và Huy phát âm giống nhau (cùng phát âm là Guy), cho nên cậu Ba đổi luôn Qui thành Huy cho tiện.

Giường, ghế, bàn bằng gỗ quý.

Những chuyện thực hư hay giai thoại ăn chơi của Công tử Bạc Liêu thì nhiều vô kể, như chuyện ông sắm máy bay riêng lấy cớ là để đi kinh lý ruộng đất của gia đình (từ thời ông Hội đồng Trạch gia đình Công tử Bạc Liêu đã có trên 100.000 ngàn mẫu ruộng lúa và gần cả trăm ngàn mẫu ruộng muối ở khắp vùng Bạc Liêu, Cà Mau), chuyện ông đốt tiền thi đua cùng Bạch Công Tử. Công tử Bạc Liêu cũng còn là một tay máu me cờ bạc có tiếng, có những khi ông đánh một cây bài đến 30.000 ngàn đồng thời bấy giờ trong khi lương của Thống đốc Nam kỳ chưa tới 3.000 đồng. Công tử Bạc Liêu còn là người có sáng kiến đứng ra tổ chức hội chợ đấu xảo và thi "Hoa hậu miệt vườn" thời ấy. Kết quả là cả hoa hậu lẫn á hậu đều trở thành thê thiếp của ông.

Cũng có câu chuyện khác là trong một lần lái máy bay thăm điền ở Rạch Giá, hứng chí ông đã bay ra biển Hà Tiên chơi, đến khi máy bay hết xăng phải đáp khẩn cấp ông mới hay đang ở đất Xiêm. Người Xiêm bắt ông về tội xâm phạm không phận phạt vạ 200 ngàn giạ lúa, báo hại ông Hội đồng Trạch phải cho chở một đoàn thuyền lúa sang nộp phạt để lấy nguòi và máy bay về. Lần khác ở quê nhà ông thuê cả chục chiếc xe kéo tay, ông ngồi một chiếc, các xe khác xe để cái mũ, xe để cây ba toong, xe để cái cặp táp... Những lần ông đi Cần Thơ, Vũng Tàu, Đà Lạt, Saigon... nghỉ mát là những cuộc ăn chơi bất tận với những bàn tiệc đầy rượu sâm banh cùng bạn bè, và dĩ nhiên không thể thiếu... em út mà thời ấy gọi là ca ve.

Đĩa sứ cổ.

Độc bình cổ bằng sơn mài.

Ông có đến bốn bà vợ và vô số nhân tình. Người vợ đầu không chính thức là một cô đầm khi ông du học ở Pháp có với ông một người con, người vợ thứ hai (trên giấy tờ là vợ chính thức) ông lấy sau khi về nước ở Bạc Liêu là bà Ngô Thị Đen, có một người con là cô Hai Lưỡng (Trần Thị Lưỡng). Cô này được gởi đi học ở trường Couvent des Oiseaux trên xứ sở sương mù Đà Lạt, cô lấy ông Nguyễn Duy Quang làm thơ ký cho Hoàng đế Bảo Đại, sau ly dị rồi qua Pháp sống. Từ năm 1945 ảnh hưởng thời cuộc, cậu Ba Huy lên sống hẳn ở Saigon lấy bà Nguyễn Thị Hai sanh 3 người con là Thảo, Nhơn, Đức. Bà vợ thứ tư cuối của ông khi ông ở Saigon trên đường Nguyễn Du lấy vào năm 1960 là con một người... sửa xe đạp, cô này con nhà nghèo hằng ngày phải đi gánh nước nhưng rất đẹp, sắc đẹp của cô khiến Công tử Bạc Liêu đã sáu mươi vẫn còn mê mẩn, cô thua ông đến mấy chục tuổi. Việc lấy cô gái này ông đã đề nghị với ông già sửa xe đạp... đổi một căn nhà phố lầu. Và cho đến khi ông mất vào đầu năm 1974 thì ông đã kịp có thêm với bà vợ cuối này đến... bốn người con, ba trai một gái là Hoàng, Toàn, Trinh, Nữ. Kể ra cuộc đời tình ái của ông thật đáng nể, xứng danh Công tử Bạc Liêu.

Những giỏ mây đan để đựng vật dụng trong nhà của người Hoa.

Đèn manchon treo trong nhà.

Trong tất cả những người con của Công tử Bạc Liêu bây giờ chỉ còn nghe nhắc đến ông Trần Trinh Đức, là con của bà Nguyễn Thị Hai với ông. Tuy là con của một Công tử giàu có nứt đố đổ vách, nhưng cuộc đời của ông Trần Trinh Đức không mấy suôn sẻ. Trước năm 1975 ông Đức cũng thừa hưởng máu ăn chơi của cha, nhà hàng vũ trường thâu đêm. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 tài sản cha ông để lại bị tịch thu, anh em, con cháu ly tán bỏ đi tứ xứ. Gom góp được ít vốn liếng ông Trần Trinh Đức cùng vợ con ở Saigon buôn bán nhỏ sinh sống, chẳng may cô con gái duy nhất bị lừa cả tình lẫn tiền khiến ông Đức phải bán cả nhà cửa đồ đạc cũng không trả hết nợ, cô con gái lâm bịnh tâm thần, bị chủ nợ đe dọa gia đình ông phải lánh lên Nam Vang một thời gian. Ông phải làm đủ thứ nghề kiếm sống, buôn bán lặt vặt, chạy xe ôm.

Ông Trần Trinh Đức, con trai Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy trong khu nhà xưa của gia đình.

Sách viết về Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.

Sau những năm tháng lênh đênh, năm 2009 gia đình ông Đức được sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm, đã trở về Bạc Liêu, ngày ngày ông đến ngôi nhà cũ của cha ông, nay là khu du lịch ngồi ôn lại quá khứ, gặp gỡ trò truyện cùng những du khách, với những ai muốn tìm hiểu về đại gia đình Công tử Bạc Liêu lừng lẫy một thời. Ông phô tô quyển sách viết về cha ông là Công tử Bạc Liêu tặng lại du khách khi có người nhã ý biếu ông tiền cà phê... Hôm tôi ghé xem nhà Công tử Bạc Liêu, xin chụp ông một tấm hình và cũng nhận được một quyển sách có chữ ký của ông... Năm nay ông Đức đã gần 70, tuy nhiều năm phong trần nhưng trông còn rất phong độ, quả không hổ danh hậu duệ của một Công tử lừng danh một thời.

Nói về đại gia đình của Công tử Bạc Liêu thật đúng với câu "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời". Nếu tính từ đời ông Hội đồng Trạch là đời thứ nhất, được hưởng trọn phú quý, đến đời Công tử Bạc Liêu tức cậu Ba Huy là đời thứ nhì, đến lúc ông mất vào năm 1974 tuy gia cảnh đã sa sút, nhưng gia đình Công tử Bạc Liêu vẫn còn của ăn của để. Duy đến đời thứ ba (đời của ông Trần Trinh Đức), thì cơ ngơi đã hoàn toàn sụp đổ. Từ khoảng những năm 1940 ảnh hưởng thời cuộc, chiến tranh, việc thâu huê lợi và đất đai của gia đình Công tử Bạc Liêu đã giảm đáng kể. Vào thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có chương trình "Người cày có ruộng", chính quyền ra Sắc lệnh mua lại ruộng đất của điền chủ chia cho nông dân, gia đình ông được bồi thường một số tiền rất lớn (không thấy tài liệu nào nêu con số). Anh em, con cháu họp lại gởi số tiền ấy vào nhà băng lấy lời chia nhau sinh sống. Chẳng được mấy năm tiếp đến sự kiện 30 tháng tư năm 1975, tiền gởi nhà băng mất, gia sản bị tịch thu, thiệt là "của chùa lại trả cho Bụt".

(*) Bốn nhân vật giàu có Nam kỳ lục tỉnh năm xưa:

- Nhất Sĩ là ông huyện Sĩ (1841-1900), tên khai sinh là Lê Nhứt Sĩ, sau đi du học ở Mã Lai về đổi thành Lê Phát Đạt, là ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu, một người mộ đạo, đã bỏ tiền của xây ngôi nhà thờ Huyện Sĩ và nhà thờ Chí Hòa ở Saigon, con trai của ông là kỹ sư Lê Phát Thanh cũng đã xây ngôi nhà thờ Hanh Thông Tây ở Gò Vấp.

- Nhì Phương là ông Đỗ Hữu Phương (1841-1914), sanh tại Saigon, đắc lực theo Pháp được phong hàm Tổng đốc nên còn gọi là Tổng đốc Phương (Tổng đốc Phương được đặt tên cho một con đường ở Chợ Lớn, bây giờ là Châu Văn Liêm).

- Tam Xường là Bá hộ Xường, tên thật là Lý Tường Quan (1842-1896), là người Minh Hương chống nhà Thanh đến Việt Nam lánh nạn. Cơ ngơi bề thế của ông trên đường Hải Thượng Lãn Ông hiện nay được xếp hạng kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

- Tứ Trạch là phú hộ Trần Trinh Trạch (1872-1942). Ông gốc người Minh Hương Bạc Liêu, xuất thân con nhà nghèo phải đi làm mướn, nhờ lanh lợi được chủ cho "đi học thế" thay người con trai. Nhờ có chữ nghĩa nên sau làm việc cho Tòa bố tỉnh Bạc Liêu (Tòa hành chánh tỉnh), được Bá hộ Bì là người giàu nhất tỉnh Bạc Liêu thời đó gả con gái. Xuất thân từ nghèo khó ông chí thú làm ăn và phất lên từ đó. Năm 1927 ông làm Chánh hội trưởng ngân hàng Việt Nam (chủ tịch Hội đồng quản trị ngày nay), trụ sở đặt tại Saigon.

>> tham khảo thêm: những điều thú vị về công tử bạc liêu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top